Gen Alpha – Thế hệ tiêu dùng tiềm năng tiếp nối Gen Z

Sinh từ năm 1997 – 2012, gen Z là thế hệ đi đầu trong các nền tảng và xu hướng truyền thông mới. Tuy nhiên, kỷ nguyên của gen Z cũng sẽ sớm bị thay thế bởi các gương mặt mới, đó là gen Alpha. Đến cuối thập niên này, những bạn trẻ trong nhóm độ tuổi 8-15 tuổi sẽ bước vào giai đoạn trưởng thành và dự đoán sớm trở thành nhóm người tiêu dùng đông đảo nhất. Do đó, thấu hiểu nhóm này đang có những đặc điểm, tính cách gì, xu hướng tiêu dùng ra sao sẽ giúp các doanh nghiệp có cách thức tiếp cận phù hợp ngay từ bây giờ. Cùng iFox tìm hiểu chi tiết ở bài viết dưới đây.

Gen Alpha sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hình thức marketing trong tương lai
Gen Alpha sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hình thức marketing trong tương lai

Gen Alpha có điểm gì khác biệt so với gen Z?

Gen Z là những đứa trẻ được sinh ra từ giữa những năm 1997 đến 2012, còn gen Alpha là thế hệ sinh từ năm 2010 đến 2025. Thường những đứa trẻ gen Alpha là con của thế hệ gen Y (Millennials) và là em của gen Z – vốn là nhóm đối tượng đang được sống trong sự chuyển giao của thời công nghệ hiện đại. Theo ước tính của Casey Foundation, trung bình cứ 9s sẽ có một đứa trẻ được sinh ra, gen Alpha được dự đoán sẽ cán mốc 2,5 tỷ vào năm 2050 và trở thành nhóm đông đảo nhất từ trước đến nay, đồng thời cũng sẽ là nhóm mục tiêu đầy triển vọng sau gen Z mà các thương hiệu nhắm đến trong tương lai. Gen Alpha sẽ mang trong mình những điểm khác biệt so với gen Z như sau:

1.1. Sử dụng công nghệ thành thạo và tính cách siêu kết nối (hyperconnected)

Gen Alpha lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc và mạng xã hội bùng nổ nhất, nên nhóm này có sự hiểu biết về công nghệ ngay từ nhỏ và thiên về công nghệ nhiều hơn cả gen Z. Thế hệ này cũng có sự tiếp thu và thích ứng nhanh nhạy với các nền tảng kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng.

Gen Alpha thành thạo công nghệ từ sớm với tính cách siêu kết nối
Gen Alpha thành thạo công nghệ từ sớm với tính cách siêu kết nối

Cụ thể, nếu gen Z để lại dấu ấn là một thế hệ có ý thức xã hội và am hiểu công nghệ thì gen Alpha sẵn sàng tích hợp công nghệ và đưa nó lên một tầng cao mới. Gen Alpha sử dụng các thiết bị công nghệ và tiếp cận thông tin ở nhiều định dạng khác nhau, đặc biệt là video. Theo nghiên cứu của Razorfish và GWI (2022), nếu như thế hệ gen Z coi chơi game như một cách thư giãn, thì Alpha xem đây như một phương tiện sáng tạo để xây dựng và thể hiện bản thân. Các trò chơi điện tử là một trong những phương pháp giúp trẻ em ở thế hệ này cải thiện khả năng thị giác nhanh nhạy, tăng khả năng phối hợp tay mắt linh hoạt, multitask và xử lý được nhiều nhiệm vụ khác nhau cùng lúc. Chúng sẵn sàng cho những công việc đòi hỏi đa nhiệm đầy thách thức. 

1.2. Gen Alpha tương tác với mạng xã hội một cách độc lập

Không quá xa lạ khi bắt gặp một hình ảnh em bé trong gia đình hiện đại được dỗ dành bằng cách “ Ăn ngoan đi xong rồi mẹ cho mượn điện thoại chơi nhé”, “Bố ơi con làm xong hết bài tập rồi cho con dùng máy tính nhé”… Điều này vô hình chung đã tạo nên thói quen gắn liền cuộc sống của chúng với thiết bị điện tử. Bài viết này sẽ không đề cập đến việc nó có ảnh hưởng tốt, xấu như thế nào để sự phát triển toàn diện của trẻ mà chỉ nói đến khía cạnh phát triển khả năng sử dụng công nghệ của chúng. 

Gen Alpha tương tác với mạng xã hội một cách độc lập
Gen Alpha tương tác với mạng xã hội một cách độc lập

Quay trở lại chủ đề chính, thế hệ gen Alpha, được tiếp xúc với công nghệ, trí tuệ nhân tạo và truyền thông trực tuyến từ khi mới sinh ra, được kết nối và làm quen với nhiều phương thức mạng xã hội khác nhau như Youtube, Instagram, TikTok hay Facebook… Dù có nhiều điểm tương đồng và cùng yêu thích và lựa chọn các thông tin được xác thực, minh bạch cùng với thế hệ gen Z, gen Alpha biết cách quản lý và bảo vệ danh tính cá nhân trên môi trường kỹ thuật số tùy theo nhu cầu và sở thích cá nhân.

Các chuyên gia dự đoán thị trường thương mại điện tử trên các mạng xã hội có giá trị 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025 với nguồn khách hàng chủ yếu là Millennial hay gen Z (2 nhóm đối tượng chiếm 62% thị phần). Gen Alpha được lớn lên trong bối cảnh “Metaverse” đã quen thuộc với việc mua sắm online được dự đoán sẽ phá vỡ mô hình bán lẻ truyền thống và kích thích nhu cầu, trải nghiệm mua sắm online của mọi người. 

1.3. Gen Alpha tự hình thành các vấn đề về toàn cầu sớm hơn các gen đi trước 

Gen Alpha được coi là thế hệ đầu tiên tiếp nhận sự giáo dục đa dạng từ toàn cầu nên có nhận thức cao hơn trong các vấn nạn mang tính toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu hay công bằng xã hội. Ví dụ, so với các thế hệ đi trước, gen Alpha trải qua các sự kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt gấp 2-7 lần so với thế hệ đi trước (đặc biệt là hiện tượng elnino và các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên và với mức độ khủng khiếp hơn). Hay các vấn nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid 19 đã trở thành đề tài nghiên cứu của các bạn trẻ, từ đó thấy được sự quan tâm của thế hệ này dành cho các vấn đề chung của xã hội. Đây sẽ là thế hệ có thể thay đổi được cục diện của thế giới nếu được định hướng tốt. 

Gen Alpha có ý thức và nhận thức từ sớm về các vấn đề toàn cầu
Gen Alpha có ý thức và nhận thức từ sớm về các vấn đề toàn cầu

Những đặc điểm của gen Alpha sẽ chi phối marketing trong tương lai mà các thương hiệu cần chú ý 

2.1. Sử dụng đa nền tảng truyền thông xã hội

Gen Alpha sử dụng phổ biến các nền tảng social như Instagram, TikTok, Youtube… từ rất sớm cho các nhu cầu khác nhau. Trong đó, TikTok là nền tảng mạng xã hội yêu thích nhất của trẻ em từ 13-15 tuổi trong năm 2022. Mạng xã hội này thu hút gen Alpha với những âm thanh và nội dung thời thượng, truyền cảm hứng. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc trong việc khéo léo truyền tải các thông điệp, sản phẩm phù hợp với độ tuổi đối tượng để quảng cáo, bán hàng.

Gen Alpha sử dụng đa nền tảng truyền thông xã hội
Gen Alpha sử dụng đa nền tảng truyền thông xã hội

Bên cạnh đó, thế hệ này cũng thường xuyên tiêu thụ nội dung trên Youtube. Theo dự báo của EMarketer, 58% trẻ em Mỹ sẽ xem Youtube ít nhất một lần mỗi tháng. Không giống như các nền tảng khác, trẻ em có thể dễ dàng truy cập Youtube vì không cần tạo tài khoản bằng email xác thực. Trên nền tảng này, trẻ em thường xem các video unbox sản phẩm và các youtuber chơi trò chơi điện tử.

Thậm chí là cả Facebook, thế hệ này được tạo và sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook sớm hơn thế hệ gen Z rất nhiều. Chúng tiếp cận với các thông tin một cách nhanh chóng, liên tục. Thế hệ này rất dễ tham gia vào các hội nhóm, các trang trên Facebook để tìm hiểu và cập nhật thông tin.

Tóm lại, các doanh nghiệp, các thương hiệu nên cân nhắc hoạt động trên đa nền tảng để kéo gần khoảng cách với gen Alpha và xây dựng tệp khách hàng tiềm năng từ sớm. 

2.2. Ưa chuộng các nội dung hài hước và các meme marketing 

Nếu như gen Z và gen Z chủ yếu lên mạng xã hội để cập nhật tin tức thì gen Alpha sử dụng các kênh xã hội để thể hiện bản thân và tìm kiếm sự hài hước. Gần 50% trẻ em từ 12-15 tuổi lên mạng để xem nội dung mà họ cho là hài hước hoặc các meme. Meme đã đa dạng hơn ngày xưa rất nhiều, thay đổi định dạng từ ảnh đến video với nhiều trend nhân vật khác nhau luôn được yêu thích và chia sẻ trên các mạng xã hội. Đây là một đặc điểm mà các thương hiệu có thể đẩy mạnh và lưu ý khi khai thác các nội dung chân thực, đôi khi “vô tri” để thu hút sự chú ý và tạo sức lan tỏa.

Gen Alpha ưa chuộng các nội dung hài hước & meme marketing
Gen Alpha ưa chuộng các nội dung hài hước & meme marketing

2.3. Chịu sức ảnh hưởng từ các Kid-Fluencers

Chính sự tiếp xúc với nội dung trực tuyến từ sớm của trẻ nhỏ đã hình thành nên hình thức Kid-Fluencers. So với các thế hệ trước, gen Alpha có xu hướng xem các vlog và video của người nổi tiếng hàng ngày. Đặc biệt, theo báo cáo của một công ty quảng cáo Wunderman Thompson, hơn một nửa trẻ em (55%) muốn mua sản phẩm nếu chúng thấy hình ảnh ngôi sao Youtube hoặc Instagram yêu thích của mình đang sử dụng nó.

Các Kid-Fluencers có sức ảnh hưởng lớn tới thế hệ gen Alpha
Các Kid-Fluencers có sức ảnh hưởng lớn tới thế hệ gen Alpha

Doanh nghiệp có thể tận dụng điểm này và bắt tay với các Kid-Fluencers ( người có sức ảnh hưởng dưới 18 tuổi) để kết nối với độ tuổi này từ sớm. Ví dụ, Ryan Kaji là một Youtuber nhí với hơn 36 triệu lượt đăng ký, chủ yếu làm nội dung về mở hộp hoặc đánh giá đồ chơi. Nhận ra sức hút của cậu bé, một số thương hiệu như Bonkers Toys và Pocket Watch đã hợp tác với Ryan để cho ra mắt bộ sưu tập đồ chơi được bán tại Walmart, Target và Amazon. 

Tại Việt Nam cũng có rất nhiều Kid-Fluencers. Chẳng hạn như “Pam iu ơi” là một “thế lực nhí” có lượng fan đông đảo trên các mạng xã hội. Các nội dung về cô bé nhận được sự quan tâm cực lớn từ cộng đồng mạng. Với gần 1 triệu người theo dõi trên Instagram và hơn 2 triệu lượt thích trên TikTok, Pamiuoi đã cùng ba mẹ tham gia vào nhiều chiến dịch truyền thông của Comfort, Siro Gadopax, Zara, UNIQLO…

Kết luận

Lớn lên trong thời đại mà công nghệ và mạng xã hội phát triển không ngừng, gen Alpha chính là thế hệ sẽ định hình tương lai. Dành thời gian đầu tư tìm hiểu và khai thác nhóm đối tượng này bằng cách hình thức marketing phù hợp từ sớm sẽ là bước đi thông minh giúp thương hiệu gặt hái được nhiều quả ngọt về lâu dài.