Kể chuyện không đơn thuần là trao đổi thông tin giữa người với người mà nó còn là cách để lan truyền cảm xúc, thông điệp muốn gửi gắm tới nhau. Trong marketing, kể chuyện- Storytelling chính là cách mà nhiều nhãn hàng sử dụng trong các chiến dịch xây dựng thương hiệu của mình.
Nội Dung Chính
Storytelling là gì?
Sử dụng nghệ thuật kể chuyện- storytelling trong marketing đang trở thành một xu hướng, một công cụ mạnh của nhiều doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu. Vậy Storytelling là gì và tầm quan trọng của nghệ thuật này như thế nào, hãy cùng xem nhé!
Điều này bắt nguồn từ bản chất của con người từ xưa đến nay, luôn tò mò và hứng thú với những “câu chuyện” và sẵn sàng mang đi “chia sẻ, bàn tán” nếu câu chuyện đó đủ hấp dẫn hoặc “xì căng đan”. Storytelling hay phương pháp “kể chuyện” chính là hình thức marketing dựa vào việc xây dựng, phát triển và truyền đạt những câu chuyện, thông điệp…có liên quan đến thương hiệu hay sản phẩm của doanh nghiệp. Storytelling vừa mang những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp muốn truyền tải đến khách hàng, vừa là “cầu nối cảm xúc” giữa khách hàng và thương hiệu.
Sự hình thành và phát triển của Storytelling
Storytelling trong lịch sử phát triển của nhân loại và xã hội chủ yếu có 3 giai đoạn lớn:
Giai đoạn 1:
Những “câu chuyện” được lan truyền dưới phương thức truyền miệng giữa người với người. Nó có thể được đúc kết thành một bài thơ, một câu hát, giai thoại hay bài vè… Sau đó được lan rộng qua giao tiếp hàng ngày và lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ vùng này sang vùng khác. Để dễ hình dung thì bạn có thể đọc một bài thơ rao bán, quảng cáo thuốc lào ở vùng Tiên Lãng sau đây:
Chồng hút mà vợ cũng say
Thằng con châm đóm lăn quay ra sàn
Ông nào hàng xóm đi qua
Hít phải hơi thuốc say ba bốn ngày
Ai thuốc lào Tiên Lãng đây… 1 hào một gói, 2 gói hai hào đây..
Thơm mồm bổ phổi, diệt trùng lao
Hút điếu thuốc lào nâng cao sĩ diện
Giai đoạn 2:
Trong giai đoạn này phương thức kể chuyện đã được thể hiện thêm dưới dạng chữ và hình vẽ trên đá, đất, giấy… Khi có hệ thống ngôn ngữ thì câu chuyện cũng được thể hiện rõ ràng hơn. Lúc này, storytelling không chỉ “chạm” đến người nghe, người đọc qua những vần điệu, câu từ, mà còn truyền tải được cảm xúc của tác giả qua từng hình ảnh, mặt chữ…
Ví dụ như hãng kem đánh răng hynos, đã in hình vẽ trồng lúa cạnh hình vẽ kem đánh răng của họ kèm dòng nội dung bên cạnh: “Trồng lúa mới có gạo ăn, thế mà có người đã phải trồng răng thì mới có răng mà ăn. Vì không săn sóc răng chu đáo, có người đã bị sâu răng và mất nhiều răng. Với Hynos phosphate, đánh răng sớm chiều, răng vững bền nhiều.” Qua hình ảnh quảng cáo này, khách hàng có thể thấy sự ví von hài hước của hãng sản xuất, khiến nội dung truyền tải sống động hơn, từ đó thu hút khách hàng và lôi kéo họ mua hàng nhiều hơn.
Giai đoạn 3:
Khi công nghệ số và những kĩ thuật hiện đại ngày càng phát triển, đặc biệt là công nghệ 4.0, các “câu chuyện” được lan truyền theo nhiều cách thức đa dạng hơn. Nó có thể là quảng cáo TV, phim điện ảnh, MV ca nhạc, liveshow,…
Ví dụ như series phim “ 7 ngày tìm lại tình yêu” của thương hiệu Pond’s. Bộ phim nói về tình tay ba với mô-típ phim truyền hình Hàn Quốc đang hot tại Việt Nam lấy bấy giờ. Để tạo nhiều tương tác với khán giả, thương hiệu này đã tận dụng những phương thức trao đổi trực tuyến như bình luận trực tuyến, dự đoán diễn biến phần tiếp theo trên website mà Pond’s tạo riêng cho chiến dịch này. Đây chính là một dạng Storytelling và Pond’s đã để một cái kết có hậu cho bộ phim, gợi cho khán giả về những cam kết và giá trị mà thương hiệu sẽ đem lại cho họ.
Lợi ích của Storytelling đối với doanh nghiệp
Theo một số liệu thống kê của trường đại học Stanford (Stanford University), cùng một bài thuyết trình nhưng nếu được trình bày dưới dạng sự kiện và số liệu thì chỉ 5% số người lắng nghe nhớ về nó. Trong khi có tới 63% số người nhớ về nó khi được truyền tải dưới hình thức kể chuyện. Vậy, Storytelling mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích như:
- Truyền thông và quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp: Một câu chuyện chứa đựng nội dung về quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp sẽ đem đến cho khách hàng thông tin về tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp.
- Tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường: khách hàng khi mua hàng sẽ chịu chi phối về mặt cảm xúc khá nhiều, do đó, doanh nghiệp nào càng có nhiều khác biệt và chiều sâu thì việc kinh doanh sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
- Thấu hiểu tâm lý và thu hút khách hàng: mỗi câu chuyện sẽ bộc lộ cho khách hàng một hành trình, một hoạt động mà doanh nghiệp đã trải qua, điều này mang hiệu quả tốt trong việc tác động tâm lý khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể nắm bắt được tâm lý khách hàng.
- Tạo thêm nhiều khách hàng trung thành: khi đã có sự thấu hiểu về doanh nghiệp và sự trải nghiệm về sản phẩm, khách hàng tin yêu và về lâu về dài, trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp.
- Thúc đẩy năng suất làm việc và tạo sự gắn kết giữa nhân viên với công ty: những câu chuyện chứa đựng lịch sử của công ty, tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu phát triển… sẽ bao gồm cả yếu tố nhân viên trong đó. Đó như một phương thức truyền thông nội bộ, khi nhân viên đã hiểu rõ về những giá trị của doanh nghiệp, họ sẽ tăng niềm tin và thúc đẩy động lực làm việc.
Bên cạnh đó, có thể thấy rằng những gì Storytelling mang lại không chỉ ở kết quả thành công của chiến dịch, lượng khách hàng mới được thu hút mà hơn thế nữa, nó lan tỏa những thông điệp nhân văn sâu sắc, truyền cảm hứng cho con người hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nếu bạn đang cần lời khuyên từ một đội ngũ marketing chuyên nghiệp để có thể xây dựng được nên “câu chuyện” riêng thật hay cho doanh nghiệp của mình thì đừng chần chừ mà hãy liên hệ với iFOX. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ bất cứ khi nào khách hàng cần!